LỊCH SỬ RA ĐỜI HÀI HƯỚC CỦA GIÀY CAO GÓT
Ít người biết rằng, giày cao gót vốn là sản phẩm ra đời nhằm phục vụ nhu cầu của nam giới. Điều đó hoàn toàn ngược lại với ngày nay, khi phát minh này phụng sự cho nét quyến rũ của phái đẹp.
Theo các nhà nhân loại học, giày dép là một phát minh vĩ đại, được khởi nguồn từ khoảng năm 40.000 đến 26.000 trước công nguyên giúp chân tránh bị lạnh hoặc tổn thương. Bằng chứng là độ dày xương ngón chân của con người trong thời gian này giảm xuống đáng kể, vì khi chân được bao bọc tốt hơn dẫn tới xương kém phát triển so với đi chân trần.
Ghi chép cổ nhất về giày cao gót xuất hiện vào cuối thế kỉ 16. Có 2 bức tranh được vẽ giữa năm 1591 và 1593, mô tả các kị sĩ Ba Tư đi giày cao gót. Hai bức tranh này đang được trưng bày ở Bảo tàng Victoria và Albert (London).
Các nhà sử học cho rằng giày cao gót được tạo hình để giúp việc cưỡi ngựa dễ dàng hơn. Giày này không phải để đi bộ mà để vừa với yên cương. Với sự giúp đỡ từ đôi giày, kỵ sĩ có thể đứng thẳng, vững vàng trên yên và dùng cung tên hiệu quả hơn.
Chiếc giày da cổ nhất là 5.500 tuổi, được tìm thấy ở Armenia, gần Thổ Nhĩ Kỳ. Vào năm 400 trước công nguyên, người Hy Lạp đã trở thành những người chế tạo giày dép có tay nghề cao và họ sử dụng giày dép cả ngày trong mọi hoạt động. Thời trung cổ, kỹ thuật may giày tiến bộ hơn, da được khâu từ trong ra ngoài, có những đường may ẩn đi khéo léo, ngăn thấm nước.
Giày dành cho phái nữ
Giày chopines được coi là một trong những loại giày cao gót cổ nhất, phổ biến vào thế kỷ 16, chiều cao của giày liên quan với mức độ cao quý của người phụ nữ. Giày chopines khá nguy hiểm vì có đế nặng, một số đôi có chiều cao “khủng” lên đến… 70 cm, làm cho những quý cô khó di chuyển khi không có gia nhân bên cạnh.
Giày cao gót đã hoàn toàn chinh phục công chúng khi được mang trong lễ cưới của Nữ hoàng Pháp Catherine de Medici. Vì không muốn xuất hiện với chiều cao khiêm tốn, Nữ hoàng đã đặt một đôi giày đế cao cho lễ cưới vào năm 1533. Đó cũng là cột mốc quan trọng cho lịch sử phát triển của giày cao gót. Đầu những năm 1700, giày cao gót được sử dụng cho cả nam giới. Vua Pháp Louis XIV ra lệnh, chỉ quý tộc mới được đi giày cao gót đế đỏ.
Sau Cách mạng Pháp 1789, phong cách giày của người giàu đã có nhiều thay đổi. Những đôi giày bằng chất liệu lụa, satin đắt tiền và trang trí cầu kỳ dần biến mất. Ý tưởng mang tính cách mạng về bình đẳng giới cũng ảnh hướng tới thiết kế giày, giày da cho cả đàn ông và phụ nữ đã trở nên phổ biến. Ở các quốc gia khác, nhiều loại hình giày cao gót có hình thù độc đáo vẫn được sử dụng. Tuy nhiên, những đôi giày cao gót đôi khi bị coi là biểu tượng của sự mê hoặc, ma quái và bị cấm sử dụng.
Trong suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, chân của phụ nữ luôn ẩn dưới chiếc váy dài nên phong cách giày không được quan tâm nhiều. Đến những năm 1920, thời trang Flapper dành cho những phụ nữ trẻ, yêu lối sống tự do, phóng túng trỗi dậy với kiểu trang điểm đậm, tóc bob, đội mũ chuông, mặc váy ngắn ngang gối, đã làm thổi bùng ngành sản xuất giày dép. Loại phụ kiện này bắt đầu được sản xuất hàng loạt, trở thành một mặt hàng thời trang dành cho tầng lớp trung lưu. Lúc này, giày có đế khoảng 2-3 cm.
Những năm 1930, giày gót nhọn ra đời nhưng phải đến khoảng thập niên 50 mới trở nên phổ biến. Gót giày trở nên mảnh mai hơn, thon nhọn dần về phía dưới. Năm 1970, giày platform ra đời, đây là loại giày có đế dày và chắn chắn, chiều cao khoảng 10 cm.
Khoảng những năm 1950, hai thợ giày bình dân là Salvatore Ferragamo (người Italy) và Roger Vivier (người Pháp) đã cho ra đời các thiết kế giày cao gót kiêu sa. Ngay lập tức, giày cao gót trở thành “cơn sốt” của phái đẹp, trở thành biểu tượng của sắc đẹp phụ nữ.
Giày cao gót mang lại nét quyến rũ cho phụ nữ ngày nay
Giày cao gót ngày nay vẫn được các nhà thiết kế miệt mài sáng tạo, ngày càng trau chuốt về kiểu dáng, họa tiết, chất liệu… Chúng là thứ phụ kiện quyền năng, có tác dụng đắc lực cho hầu hết phụ nữ để trở nên yêu kiều khi xúng xính váy áo xuống phố.