CÓ GÌ Ở CHỢ HÀNG THÙNG LỚN NHẤT HÀ NỘI

CÓ GÌ Ở CHỢ HÀNG THÙNG LỚN NHẤT HÀ NỘI

– Những người chưa bao giờ dùng đồ hàng thùng sẽ cho rằng đây là đồ cũ, đồ “sida”, không ra gì. Nhưng đối với những chị em phụ nữ đã từng đi mua sắm ở những địa chỉ chuyên bán đồ “second-hand” này, họ đều bị mắc một bệnh – “nghiện” hàng thùng. Đặc biệt, đại đa số đều “nghiện” chợ Đông Tác – chợ hàng thùng đầu mối lớn nhất ở Hà Nội từ nhiều năm nay.

Hướng tới mọi đối tượng khách hàng

Chợ Đông Tác nằm dưới chân khu tập thể Khương Thượng, chủ yếu bày bán áo quần với đủ kiểu thời trang từ châu Âu tới châu Á, từ người lớn tới trẻ em, từ thời trang công sở cho tới những bộ đồ bơi sắc màu. Chính vì đa dạng thể loại như vậy nên chợ cũng phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Một năm buôn bán chia ra làm hai vụ chính: vụ đông và vụ hè. Đại đa số tiểu thương ở đây cho rằng: “Chủ yếu là bán hàng đông thôi, chứ hàng hè hòa vốn là lãi rồi”. Bởi các mặt hàng như áo phông, áo sơ mi, váy mùa hè thường có gái rất rẻ chỉ dưới 100 ngàn đồng và vụ hè cũng là vụ các tiểu thương phải thanh lý rất nhiều. Tức là bán buôn với giá rẻ, chỉ còn khoảng 2-3 ngàn đồng một chiếc.
Mặc dù là hàng “second-hand”, tuy nhiên thường chỉ có quần áo mới có giá rẻ. Còn đối với mặt hàng giày và túi, cô Mai – một người buôn hàng thùng lâu năm chia sẻ: “Một đôi giày hoặc một chiếc túi có thể lên tới giá 1-2 triệu, thậm chí mặt hàng áo choàng lông vũ, lông thú còn có giá lên tới 5-7 triệu”. Sở dĩ có giá đắt như vậy bởi đây chỉ là hàng đã qua sử dụng, chứ không phải hàng giả, hàng nhái. Do vậy, nhiều người “sành mua” thường chọn chợ Đông Tác làm nơi mua sắm, vừa mua được hàng chính hãng mà giá cả lại hợp lí. Còn các bạn sinh viên, đại đa số rất ưa chuộng mặt hàng giày và balo thời trang. Tuy nhiên giá thành cũng là một vấn đề khá đau đầu


Những điểm đặc biệt nơi đây.

Nằm sâu dưới khu tập thể Khương Thượng với lối vào là một con ngõ nhỏ. Thời gian trước nơi đây có hẳn một khu chợ tập trung nhiều ki-ốt nhỏ với diện tích chỉ đủ trải một chiếc chiếu cho các chủ cửa hàng thoải mái treo đồ và bày biện. Tuy nhiên, kể từ năm ngoái sau khi tập đoàn VinGroup mua lại Ocean Bank, Ocean Mart (khu vực Starbow Phạm Ngọc Thạch cũ) và tiến hành xây dựng Vincom, chợ hàng thùng cũ bị dẹp bỏ. Ngày nay khu chợ Đông tác chỉ còn những gia đình có nhà tại đây tự nhập hàng về bán, hoặc những chủ thương thuê nhà làm cửa hàng. Những quầy hàng cũ chuyển về chợ hàng thùng tại phố Đặng Văn Ngữ tuy nhiên cũng rất vắng khách, hầu như không có.
Đối với những chị em phụ nữ hay đi mua hàng thùng, giữa trưa là khoảng thời gian được coi là “giờ vàng”. Bởi thời gian này có ít khách qua lại, thoải mái xem hàng, thử hàng, mua hàng. Còn từ khoảng 3 giờ chiều trở đi, bãi đỗ xe thường trong tình trạng quá tải, đôi khi khách tới và để xe xuống hẳn lòng đường.
Tại đây, mỗi người chủ đều mang trong mình tâm lí “treo bao nhiêu được bấy nhiêu” nên đôi khi không gian của sân tập thể cũng được “trưng dụng” để làm nơi bày hàng của những tiểu thương.

XEM THÊM : Bảng giá hàng thùng nguyên kiện Campuchia


Để có thể treo hàng một cách thoải mái, mỗi người chủ phải đầu tư một bộ sào sắt được cố định bằng những miếng thép vít chặt vào bức tường thấp bao quanh sân tập thể. Khoảng 1 tháng 1 lần hoặc khi nào có chiến dịch, công an phường sẽ tiến hành kiểm tra, hộ nào không tháo ra kịp sẽ bị dùng xà beng phá và tịch thu.
Còn một điểm đặc biệt khác, hàng thùng là hàng đóng kiện. Mỗi người chủ khoảng 2 tháng một lần có một đợt đi sang Trung Quốc hoặc Campuchia để lấy hàng, sau đó đóng thành kiện và vận chuyển về Việt Nam. Một số chủ chọn cách “nhập buôn” của người khác để đỡ phải mất công sức và phí đi lại. Tuy nhiên cách này thường “5 ăn 5 thua” vì không biết chất lượng cũng như mẫu mã ra sao. Do vậy, người ta nói đi mua hàng thùng cũng cần may mắn. Sở dĩ, chợ không họp theo phiên như chợ Mơ hay một số chợ khác, các chủ cửa hàng cũng không quy định một ngày để mở hàng mới. Cho nên quả là may mắn lớn nếu mọi người đi chợ đúng vào ngày các tiểu thương “bật kiện”.

Một ngày của người bán hàng thùng ra sao?

Những người bán hàng thùng thường không đi chợ sớm như những người bán rau, bán thịt. Bởi thường không có ai sáng sớm đi mua quần áo. Đa số họ sẽ dọn hàng từ khoảng 9-10 giờ (thời điểm gần giờ nghỉ trưa của nhân viên công sở) bởi khách hàng chủ yếu đi mua từ khoảng 12 giờ đổ ra.
Nếu không ngại phải dùng đồ “đã qua sử dụng” thì chợ Đông Tác là một điểm đến khá thú vị cho những chị em phụ nữ ưa thích mua sắm. Với 300 ngàn đồng, các mẹ, các chị có thể dễ dàng sắm cho mình 2-3 chiếc chân váy, hay một chiếc áo dạ mặc tránh rét. Tuy nhiên, để chọn được một món hàng tốt không phải là điều đơn giản. Chính vì vậy mới tạo nên những “cáo già” chuyên mua hàng thùng (theo lời ví von của tiểu thương nơi đây). Nếu có dịp, mọi người có thể thử giới thiệu bạn bè hoặc người thân, đặc biệt là phụ nữ tới đây để “hưởng” cái không khí mua hàng không cần đắn đo giá.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *