Ở đây có tới 100.000 đồ chơi cũ được thu thập trên khắp nước Nhật trong suốt 13 năm qua.
Nghệ sĩ nổi tiếng đương đại Nhật Bản, Hiroshi Fuji rất nổi tiếng với việc sử dụng các chủ đề tái chế trong các tác phẩm nghệ thuật khác nhau của mình. Vừa qua, người nghệ sĩ này đã tổ chức một triển lãm cá nhân tại Tokyo và đáng ngạc nhiên, những sáng tạo nghệ thuật của ông được tạo ra từ hơn 100.000 đồ chơi bị bỏ đi. Những đồ chơi này được thu thập từ khắp Nhật Bản trong vòng 13 năm qua thông qua các hoạt động cộng đồng để tái chế các đồ chơi không còn được sử dụng.
Những đứa trẻ thích thú trước “thiên đường” đồ chơi cũ.
Fuji, người khởi xướng hoạt động xã hội này tìm được cảm hứng từ đất nước xa xôi Papua New Guinea, nơi ông từng tình nguyện làm việc với vai trò là một giáo viên nghệ thuật trong những năm 1980. Ở Papua New Guinea, ông đã chứng kiến các vật dụng bằng nhựa hàng ngày, vốn thường bị vứt đi tại đất nước của ông, đã được trao đổi và được sử dụng bởi những người bản địa. Với họ, chúng thực sự là những hàng hóa có giá trị. Khi trở về Nhật Bản với nguồn cảm hứng này, ông đã trở thành một nhà tiên phong của “nghệ thuật tái chế”.
Đồ chơi tại đây được thu thập trong suốt 13 năm trên khắp đất nước Nhật Bản. Nhiều thứ trong đó trông vẫn còn mới nguyên.
Các đồ chơi bị vứt đi và được thu thập tái chế trong triển lãm này rất đa dạng, phong phú: những chú chuột Mickey, mô hình Shrek, hay chú mèo máy Doraemon… Điều này chứng tỏ rằng, khi một đồ chơi được yêu thích, nó sẽ được sản xuất nhiều hơn và cũng bị vứt bỏ đi nhiều hơn.
Những đồ chơi ở đây rất phong phú về kiểu dáng, mẫu mã. Trong số đó, có rất nhiều nhân vật hoạt hình nổi tiếng.
Ngày nay, nhiều nhà hàng thức ăn nhanh cung cấp các đồ chơi bằng nhựa như quà tặng khuyến mại dành cho các khách hàng nhí của mình. Chúng thường được làm từ nhựa rẻ tiền, dễ dàng bị vỡ hoặc mất các bộ phận. Vì vậy, chúng thường nhanh chóng bị lãng quên và vứt bỏ ra các bãi chôn lấp.
Triển lãm cũng đồng thời là lời kêu gọi tái chế/ trao đổi đồ chơi cũ.
Triển lãm mang tên “Những đồ chơi này đến từ đâu vậy?” có thể trông giống như một thiên đường dành cho những đứa trẻ nhưng nó cũng là một lời nhắc nhở sâu sắc về tái chế. Ngoài ra, triển lãm cũng khuyến khích mọi người mang đồ chơi cũ của họ đến và trao đổi chúng ra với người khác.
Nghệ sĩ Fuji hy vọng rằng, sau triển lãm, những đồ chơi này sẽ được trả lại cho dự án tái chế đồ chơi nhóm cộng đồng và tiếp tục sứ mệnh thực sự của chúng: tặng nụ cười cho trẻ em.